Chuyên mục
Virtualization Windows

Thiết lập mạng ảo Homelab bằng Hyper-V trên Windows 10 Pro

Khi muốn thiết lập mạng ảo trong Homelab, đa số mọi người sẽ chọn VMWare ESXi hoặc Proxmox làm nền tảng hypervisor. Tuy nhiên, bạn sẽ cần có một máy tính riêng để thiết lập server dành riêng cho hệ thống máy ảo / mạng ảo.

Nếu không có sẵn máy tính dư, bạn có thể dùng nền tảng Hyper-V có sẵn trên Windows 10 Pro để thiết lập mạng ảo phục vụ nhu cầu nghiên cứu, quậy phá. Hyper-V là nền tảng Hypervisor Type-1, tương tự như ESXi / Proxmox, mang đến hiệu năng hoạt động cho máy ảo vượt trội so với việc thiết lập máy ảo trên Hypervisor Type-2: VirtualBox, VMWare Player,…

Dưới đây là hướng dẫn cách kích hoạt Hyper-V trên Windows 10 để thiết lập mạng ảo Homelab.

1. Kiểm tra tương thích Hyper-V

Trước tiên, bạn cần phải kiểm tra xem máy tính của mình có hỗ trợ Hyper-V không. Bạn mở System Information, ở mục System Summary, kéo xuống dưới cùng để xem các thông số liên quan đến Hyper-V.

Nếu mục Hyper-V – Virtualization Enabled in Firmware đang là No trong khi các mục Hyper-V là Yes, bạn cần phải khởi động lại máy vào BIOS để mở tính năng Virtualzation đang bị tắt.

Truy cập BIOS để mở tính năng Virtualization.

Sau khi chỉnh trong BIOS, bạn quay lại System Information, nếu thấy dòng chữ A hypervisor has been detected. Features required for Hyper-V will not be displayed. nghĩa là máy của bạn đã sẵn sàng sử dụng Hyper-V.

2. Kích hoạt tính năng Hyper

Hyper-V được tích hợp sẵn trên Windows 10 bản Pro (bản Home không có), nhưng mặc định bị tắt. Bạn có thể phải kích hoạt tính năng Hyper-V bằng 1 trong 2 cách:

Sử dụng PowerShell

  1. Mở PowerShell dưới quyền Admin (Tìm PowerShell trong Start Menu, bấm chuột phải, chọn Run as Administrator)
  2. Nhập lệnh sau để mở Hyper-V. Sau khi hoàn tất, chọn Y để khởi động lại máy
Enable-WindowsOptionalFeature -Online -FeatureName Microsoft-Hyper-V -All

Sử dụng Control Panel

  1. Bấm chuột phải trên Start Menu, chọn Apps and Features.
  2. Kéo xuống dưới cùng, chọn Programs and Features nằm dưới mục Related Settings
  3. Chọn Turn Windows Features on or off.
  4. Chọn Hyper-V và bấm OK.

Sau khi khởi động lại, bạn đã có thể bắt đầu tạo máy ảo bằng Hyper-V.

3. Tạo máy ảo trên Hyper-V

Để tạo máy ảo Hyper-V, bạn cần phải sử dụng công cụ Hyper-V Manager đã được cài đặt sẵn sau khi kích hoạt Hyper-V.

Giao diện Hyper-V Manager

Để tạo máy ảo, bạn có thể chọn 2 cách: Quick Create… hoặc New -> Virtual Machine

Quick Create…

Bấm vào Quick Create… để tạo nhanh máy ảo

Tính năng Quick Create sẽ giúp tạo nhanh máy ảo Windows 10 dev hoặc Ubuntu, Hyper-V sẽ tự động tải file ISO tương ứng về máy để bạn tiến hành cài đặt. Nếu muốn cài đặt các hệ điều hành khác, bạn phải chọn cách tạo thủ công.

Tạo thủ công

Bấm New, chọn Virtual Machine

Để chủ động thiết lập cấu hình của máy ảo mong muốn, tốt nhất bạn nên chọn cách thủ công này. Bấm vào mục New, chọn Virtual Machine để bắt đầu các bước tạo máy ảo mới trên Hyper-V. Bạn có thể tuỳ chỉnh các thiết lập sau

  • Name & Location: Tên máy ảo và thư mục lưu máy ảo trên đĩa cứng
  • Generation: Chọn phiên bản máy ảo: Generation 1 hoặc Generation 2 (xem chi tiết)
  • Memory: Kích thước bộ nhớ RAM
  • Networking: Cấu hình kết nối mạng
  • Virtual Hard Disk: Cấu hình ổ đĩa cứng ảo và ổ đĩa CD cài đặt hệ điều hành

Xem hướng dẫn chi tiết

Tạo máy ảo bằng Hyper-V trong Windows 10

Sau khi đã tạo xong máy ảo, bạn cần tải file ISO của hệ điều hành muốn sử dụng (Ubuntu, CentOS, VyOS, pfSense,…). Sau đó tiến hành cài đặt trên máy ảo tương tự như khi cài đặt trên máy tính vật lý.

Hệ thống mạng ảo thiết lập bằng Hyper-V

Ở phần sau, mình sẽ chia sẻ tiếp về tính năng Virtual Switch của Hyper-V, sự khác nhau giữa 3 loại Virtual Switch: External, Internal, Private.

Chúc bạn cài đặt thành công!